SRD Bao cao thuong nien 2011

Page 1

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BỀN VỮNG

BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN

2011


Viết bài: Kate Rayson và cán bộ SRD Hiệu đính: Vũ Thị Bích Hợp và Trương Quốc Cần Ảnh: Cán bộ SRD Thiết kế và in ấn: Công ty Quảng cáo Haki Giấy phép xuất bản số: 394-2011/CXB/162-21/TN Số lượng: 500 quyển Nhà xuất bản Thanh Niên


MỤC LỤC Giới thiệu SRD · Tôn chỉ, sứ mệnh và giá trị

4

Lời mở đầu của Giám đốc

6

Thư ngỏ từ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA)

7

Nông nghiệp và sinh kế bền vững · Thúc đẩy nông nghiệp và sinh kế bền vững · Cải thiện thu nhập và sức khỏe cộng đồng tại tỉnh Yên Bái · Hệ thống giống lúa của nông dân giúp cải thiện sinh kế · Hỗ trợ cộng đồng dân tộc Thái thích ứng với những thay đổi của quá trình đô thị hóa Biến đổi khí hậu · SRD và hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trong năm 2011 · Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu

15 16 18

Các vấn đề lồng ghép · Vấn đề giới được quan tâm thích đáng o Kiến thức và sự tự tin tạo nên những lãnh đạo nữ ở cộng đồng · Nghiên cứu và vận động chính sách - vấn đề ưu tiên hàng đầu trong năm 2011 o Nghiên cứu hành động thúc đẩy chuỗi giá trị nuôi gà địa phương o Hoạt động mạng lưới - Công cụ vận động chính sách hiệu quả

20 21 22 23 24 25

Hoạt động nội bộ · Xây dựng năng lực tổ chức · SRD hướng tới Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2013-2017 · Sơ đồ tổ chức

26 27 28 29

Báo cáo tài chính · Tổng quan về tài chính · Báo cáo thu nhập và chi phí · Bảng cân đối kế toán

30 31 31 32

Các dự án và đối tác · Nhà tài trợ · Đối tác địa phương · Danh mục dự án · Bản đồ dự án

34 35 36 37 39

8 9 10 12 14


Các chị nông dân người dân tộc thiểu số tham gia khóa tập huấn “cầm tay chỉ việc” để học cách áp dụng Hệ thống Thâm canh lúa Cải tiến (SRI) tại tỉnh Bắc Kạn.

GIỚI THIỆU SRD

Chủ tịch VUSTA Đặng Vũ Minh đến thăm và làm việc với cán bộ Trung tâm SRD, tháng 3/2012.

4 | Báo cáo thường niên 2011


Giá trị

Tôn chỉ

Tự chủ Người dân có quyền tự chủ đối với sự phát triển của chính họ.

Người dân tại các vùng nông thôn đủ năng lực để tự quản lý nguồn sinh kế của họ một cách bền vững trong một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Bền vững Sự phát triển được xem là bền vững nếu cộng đồng có thể duy trì và nhân rộng những kết quả của các hoạt động can thiệp phát triển.

Sứ mệnh

Công bằng Tất cả các thành viên trong cộng đồng phải được bảo đảm các cơ hội, khả năng tiếp cận các nguồn lực, các lợi ích, trách nhiệm và sự bảo hộ một cách công bằng.

SRD là tổ chức phi chính phủ Việt Nam, cam kết hỗ trợ các cộng đồng nông thôn tự quản lý hệ thống sinh kế một cách bền vững thông qua nâng cao năng lực và vận động chính sách vì người nghèo.

Một phụ nữ người dân tộc Dao giữa giờ nghỉ giải lao trong một khóa tập huấn về lập kế hoạch kinh doanh tại nhà họp thôn Nậm Cưởm, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Giới thiệu SRD | 5

Minh bạch SRD, các đối tác và các đối tượng hưởng lợi của tổ chức hoạt động theo một cách thức chuyên nghiệp, cởi mở và minh bạch. Hiệu quả Đạt được những kết quả tốt nhất, đồng thời sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả nhất.


LỜI MỞ ĐẦU

CỦA GIÁM ĐỐC Viết lời mở đầu cho Báo cáo thường niên là một công việc ý nghĩa và mang lại niềm vui cho tôi vì đây thực sự là cơ hội để nhìn lại những thành công đạt được, những thách thức đang đặt ra và cả những bài học kinh nghiệm trên con đường phát triển của tổ chức. Năm 2011 được xem là cột mốc quan trọng đối với SRD, được đánh dấu bằng lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Trung tâm. Tôi rất tự hào vì sự lớn mạnh và phát triển của tổ chức trong suốt 5 năm qua, với sự tăng lên gấp đôi cả về đội ngũ cán bộ và phạm vi hoạt động tại các tỉnh. Sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của SRD phản ánh năng lực của tổ chức trong công tác hỗ trợ người nghèo trong bối cảnh họ hiện đang phải đối diện với những thách thức ngày càng gia tăng. Những biến động của thị trường tài chính toàn cầu đã có những tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của Việt Nam. Thêm vào đó, mức lạm phát cao của Việt Nam tiếp tục khiến cho những cộng đồng dễ bị tổn thương rơi vào tình cảnh nghèo khó, đặc biệt tại vùng nông thôn. Trong bối cảnh đó, SRD tiếp tục cam kết xây dựng năng lực cho những cộng đồng này, đồng thời nỗ lực vận động chính sách theo hướng có lợi cho họ ở các cấp từ địa phương, quốc gia đến cấp toàn cầu. Một trong những hoạt động vận động chính sách nổi bật nhất của SRD trong năm 2011 là việc tham dự Diễn đàn cấp cao về Hiệu quả Viện trợ tại Bussan, Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên

các tổ chức xã hội dân sự được mời tham dự với tư cách đại biểu chính thức. SRD vinh dự là một trong hai tổ chức dân sự của Việt Nam, đại diện cho tiếng nói của người nông dân nghèo tham dự hội nghị. Trong năm 2012, SRD sẽ đặt trọng tâm vào hoạt động xây dựng Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2013-2017. Để chuẩn bị cho hoạt động này, SRD đã tổ chức Hội thảo trù bị lập Kế hoạch Chiến lược vào tháng 10/2011. Dự kiến, chúng tôi sẽ tiến hành một số hoạt động tham vấn sâu rộng với các bên liên quan và sau đó, chiến lược mới sẽ được chính thức giới thiệu vào tháng 11/2012. Nhân dịp này, tôi muốn gửi lời tri ân chân thành đến các nhà tài trợ, các đối tác, các cộng đồng và các cá nhân vì sự hỗ trợ quý báu của quý vị dành cho chúng tôi trong thời gian qua. Và chúng tôi tin rằng nỗ lực trên tinh thần đối tác và hợp tác là phương cách duy nhất để chúng tôi đạt được sứ mệnh mà mình đã đặt ra - mở ra một tương lai trong đó người dân tại các vùng nông thôn được tăng cường năng lực để quyết định việc phát triển sinh kế một cách bền vững trong một xã hội công bằng và bác ái.

Bà Vũ Thị Bích Hợp Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD)

6 | Báo cáo thường niên 2011


THƯ NGỎ TỪ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM (VUSTA) Nhờ quyết tâm chính trị mạnh mẽ và những nỗ lực của Chính phủ, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo trong thập kỷ vừa qua. Cùng với những nỗ lực của Chính phủ, các tổ chức đoàn thể và các tổ chức phi chính phủ cũng đã có những đóng góp rất tích cực và hiệu quả trong công cuộc này. SRD là một tổ chức phi chính phủ đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới các đơn vị triển khai khoa học và kỹ thuật của VUSTA và được đánh giá cao tại Việt Nam vì những đóng góp của tổ chức trong công tác phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo, những can thiệp tích cực tại các cộng đồng nông thôn và những hoạt động đề xuất chính sách phù hợp. Kể từ khi được thành lập vào năm 2006 đến nay, SRD đã liên tục trưởng thành xét cả về quy mô tổ chức và chương trình hoạt động. Với thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, SRD đã hỗ trợ phát triển sinh kế và cải thiện điều kiện sống cho hàng chục nghìn hộ gia đình nghèo tại khu vực miền Bắc và miền Trung Việt Nam. SRD đóng vai trò đi đầu trong công tác xây dựng năng lực về biến đổi khí hậu (BĐKH) cho các tổ chức dân sự Việt Nam, với vai trò sáng lập viên và Chủ tịch Mạng lưới các Tổ chức phi chính phủ Việt Nam và BĐKH (VNGO&CC) và

Báo cáo thường niên 2011 | 7

là đồng Chủ tịch của Nhóm Công tác về BĐKH (CCWG). Thông qua hoạt động mạng lưới và hoạt động lồng ghép ứng phó BĐKH vào các dự án, SRD hiện đang hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương xây dựng các mô hình ứng phó với điều kiện môi trường không ngừng thay đổi. SRD cũng chủ động hỗ trợ VUSTA nâng cao năng lực mạng lưới của Liên hiệp hội nhằm ứng phó với BĐKH tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cách tiếp cận dựa vào cộng đồng đã đặt nền tảng cho những thành công trong các hoạt động của SRD. Trong 5 năm qua, SRD đã phối hợp với nhiều cơ quan Nhà nước và các nhà khoa học để xây dựng cơ sở cho các hoạt động hỗ trợ tại cộng đồng và hoạt động đề xuất chính sách. Tính hiệu quả của cách tiếp cận này được thể hiện ở sự ghi nhận và ủng hộ ngày càng lớn mạnh của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế dành cho SRD. Trong lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập của SRD vào tháng 3/2011, VUSTA đã trao tặng Bằng khen ghi nhận Trung tâm “đã có thành tích đóng góp xuất sắc trong xây dựng và phát triển Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam”. Chúng tôi hy vọng rằng sẽ ngày càng nhiều tổ chức noi gương của SRD và hy vọng SRD sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công, đóng góp cho công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững tại Việt Nam.

GS.TS Đặng Vũ Minh Chủ tịch VUSTA


NÔNG NGHIỆP VÀ SINH KẾ BỀN VỮNG

8 | Báo cáo thường niên 2011


Thúc đẩy nông nghiệp và sinh kế bền vững Ở nước ta, với hơn 90% số người nghèo hiện đang sinh sống tại các vùng nông thôn hẻo lánh, nông nghiệp và sinh kế bền vững đóng một vai trò quan trọng đối với công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển của đất nước. Trong một thập kỷ qua, Chính phủ và các tổ chức phát triển tại Việt Nam đã cam kết thúc đẩy, hỗ trợ người nghèo phát triển sinh kế bền vững và đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố gây tác động bất lợi đến người nông dân như chi phí sinh hoạt cao, chi phí vật tư nông nghiệp gia tăng, hệ lụy của những phương thức canh tác không bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay. Trong năm 2011, sự cộng hưởng của các yếu tố này tiếp tục đẩy những đối tượng dễ bị tổn thương đến tình trạng đói nghèo. Thông qua những can thiệp dựa trên cơ sở nhu cầu cộng đồng, SRD đã hỗ trợ các nông dân tại khu vực miền Bắc và miền Trung Việt Nam nhằm giảm nhẹ tác động của các yếu tố nói trên. Cụ thể là, SRD đã triển khai tám dự án nông nghiệp bền vững tại 47 xã. Hơn 2000 nông dân đã được hưởng lợi trực tiếp từ dự án. Số lượng các đối tượng hưởng lợi gián tiếp ở cộng đồng là rất lớn. Trong tám dự án trên, SRD đặt trọng tâm vào việc xây dựng kiến thức và năng lực kỹ thuật cho các hộ nông dân quy mô nhỏ, phát triển kỹ năng lập kế hoạch sản xuất trong nông nghiệp, tăng cường sự hợp tác của nông dân và phát triển các kỹ năng thị trường.

Nông nghiệp và sinh kế bền vững | 9

Nền tảng thành công của các dự án chính là cách thức tiếp cận phát triển dự án, trong đó có sự tham gia của các thành phần liên quan khác nhau và sự tham gia chủ động của người dân địa phương. Quy trình này đảm bảo người dân địa phương có quyền tự chủ đối với sự phát triển của chính họ và giúp những nhu cầu thực sự của họ được đáp ứng. Từ việc phát triển các cây thuốc bản địa đến phát triển chăn nuôi, các dự án đều được xây dựng với sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan nhằm đáp ứng những nhu cầu cụ thể của các cộng đồng khác nhau. SRD luôn ưu tiên phát triển các dự án về những giải pháp ứng phó với tác động lâu dài của BĐKH, giúp đảm bảo tính bền vững của các hoạt động can thiệp trong bối cảnh BĐKH như hiện nay.

Từ việc phát triển các cây thuốc bản địa đến phát triển chăn nuôi, các dự án đều được xây dựng nhằm đáp ứng các nhu cầu cụ thể của mỗi cộng đồng.


Một phụ nữ người dân tộc Dao chăm sóc mạch môn ở vườn ươm tại xã Cảm Ân. Vườn ươm là nơi cung cấp cây giống cho người dân địa phương để họ trồng cây thuốc trong vườn nhà.

Cải thiện thu nhập và sức khỏe cộng đồng tại tỉnh Yên Bái Anh Tụng (trong ảnh) là người dân tộc Tày hiện đang sinh sống tại xã Cảm Ân, một xã thuần nông nghèo của tỉnh Yên Bái, thuộc khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam. Xã Cảm Ân hiện có 780 hộ gia đình thuộc chín nhóm dân tộc thiểu số. Hơn một phần ba số dân trong xã có mức thu nhập khoảng 10.000 đồng/người/ngày. Trải qua nhiều thế hệ, người dân trong xã chủ yếu phụ thuộc vào các cây thuốc bản địa và các phương thuốc truyền thống để duy trì sức khỏe và điều trị bệnh. Trong những năm gần đây, hệ thống chăm sóc sức khỏe này đã bị xuống cấp do việc khai thác quá mức nguồn

cây thuốc bản địa trong rừng và sự mai một kiến thức quý về các phương thuốc trong thế hệ trẻ. Với sự tài trợ của Cordaid, SRD đã triển khai chuỗi các hoạt động can thiệp nhằm khôi phục hệ thống y tế truyền thống, bảo tồn các giống cây thuốc bản địa và tăng thu nhập cho người nông dân. Thông qua các khóa tập huấn, anh Tụng và bà con trong xã đã học hỏi được nhiều kỹ năng cần thiết cho việc trồng cây thuốc bản địa trên chính diện tích đất của gia đình mình. Hiện nay cây thuốc bản địa cho lợi nhuận cao hơn so với

10 | Báo cáo thường niên 2011


trồng các loại cây truyền thống như chè, lúa và sắn nên những kỹ năng mới cũng giúp người dân địa phương tăng thu nhập. Ngoài việc cải thiện thu nhập, việc này còn giúp các ông lang, bà mế luôn có đủ lượng cây thuốc bản địa phục vụ cho việc điều trị bệnh cho người dân, và giúp bảo tồn các cây thuốc quý bản địa. Dự án cũng giúp kết nối các ông lang, bà mế với chính quyền địa phương và người nông dân, hỗ trợ tài liệu hóa các kiến thức về cây thuốc bản địa nhằm duy trì những kiến thức này cho các thế hệ trẻ trong xã.

“Các kỹ năng cần thiết trong việc trồng và chăm sóc các cây thuốc bản địa giúp anh Tụng và những người dân trong xã tăng thu nhập đáng kể.”

“Việc duy trì kiến thức về các phương thuốc bản địa đóng vai trò quan trọng, không chỉ đối với nền văn hóa dân tộc mà còn vì sức khỏe của chính chúng ta” - Anh Tụng, nông dân dân tộc Tày.

Nông nghiệp và sinh kế bền vững | 11


Hệ thống giống lúa của nông dân giúp cải thiện sinh kế Bắc Kạn là một tỉnh thuộc miền núi phía Đông Bắc của Việt Nam. Tỉnh hiện có hàng ngàn nông dân (thuộc các dân tộc thiểu số) sinh sống tại hơn 120 xã. Nguồn thu nhập và lương thực của người dân địa phương vẫn chủ yếu là cây lúa. Trong một vài năm gần đây, những biến đổi thời tiết, sự gia tăng dịch bệnh và những biến động mạnh của giá lúa giống đe dọa an ninh lương thực và sinh kế của người dân nơi đây. Để ứng phó với những thách thức này, SRD đã thực hiện dự án “Củng cố và Phát triển Hệ thống giống lúa của nông dân tại tỉnh Bắc Kạn”, do Cordaid tài trợ. Dự án đã giúp cải thiện sinh kế và năng lực xã hội cho người nông dân, đặc biệt là người dân nghèo và phụ nữ thông qua việc phát triển và tăng cường các hệ thống giống lúa của nông dân. Kể từ khi dự án được bắt đầu triển khai vào tháng 4/2008 đến nay, hơn 1.200 nông dân, trong đó, có 60% là phụ nữ đã tham gia các lớp học trên đồng ruộng và học hỏi được những kiến thức cơ bản về cách thức bảo tồn nguồn gen cây trồng - sự kết hợp giữa phục tráng, so sánh, sản xuất và lựa chọn giống. Ngoài việc tổ chức các lớp học đồng ruộng, dự án đã hỗ trợ thành lập hai trung tâm học tập cộng đồng, là nơi chia sẻ thông tin và tăng cường sự hợp tác giữa các nông dân, các cán bộ kỹ thuật và chính quyền địa phương.

Thu nhập trung bình của các hộ gia đình tham gia dự án đã tăng 1525% nhờ năng suất tăng 30%, giảm 50% lượng thuốc trừ sâu và giảm 70% chi phí giống.

Việc tăng cường kiến thức và các phương thức sản xuất đã đem lại những tác động to lớn. Ví dụ như, năng suất tăng 30%, giảm 50% lượng thuốc trừ sâu và giảm 70% chi phí giống. Nhờ đó, thu nhập trung bình của các hộ gia đình tham gia dự án đã tăng từ 15-25%. Bên cạnh đó, thành công của các kỹ thuật mới đã nhanh chóng được nhân rộng tại địa phương, nhờ việc chủ động chia sẻ các kỹ năng và kiến thức mới của các nông dân tham gia các lớp học đồng ruộng với nhiều nông dân khác.

12 | Báo cáo thường niên 2011


Bên cạnh việc đảm bảo an ninh lương thực, dự án cũng đã hỗ trợ người nông dân chuyển từ phương thức tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Sau hai năm tham gia các khóa tập huấn về kỹ thuật và kinh doanh, 18 nông dân của xã Huyền Tụng - một trong hơn 120 xã của tỉnh Bắc Kạn - đã phối hợp sản xuất lúa giống bán ra thị trường. Cụ thể là, nhóm nông dân này đã ký hợp đồng với Công ty Cung ứng Vật tư và Giống cây trồng và bán cho công ty 14,8 tấn lúa giống. Nhờ vậy, hiện nay các nông dân trong nhóm đã có thu nhập tăng 45% so với trước. Nhờ có sinh kế ổn định và bền vững, những người nông dân dân tộc thiểu số của tỉnh Bắc Kạn đã có thể mơ ước về một tương lai tươi sáng hơn. Anh Quyết - nông dân người dân tộc Tày là trưởng nhóm nông dân nòng cốt. Nông dân trao đổi kiến thức về giống lúa trong một Hội thảo đầu bờ tại xã Xuất Hóa, Thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

Nông nghiệp và sinh kế bền vững | 13


Chị Hân nói trong niềm hân hoan vì dự án đã giúp chị hoàn thành tâm nguyện với gia đình: “Các con của tôi có thể đến trường và thu nhập của gia đình tôi giờ đã ổn định hơn trước”.

nhà vệ sinh đạt chuẩn. Hơn nữa, trong hai năm qua, Điện Biên được ghi nhận là tỉnh có tỷ lệ người nhiễm HIV cao nhất tại Việt Nam. Mặc dù Chính phủ đã triển khai một số chương trình và đưa ra một số chủ trương, chính sách hỗ trợ dành cho các thôn bản nghèo trong huyện, nhưng do bản Chiềng Khoang đã được sát nhập thành một phần của thị trấn nên cộng đồng tại bản ít có cơ hội tiếp cận những chương trình hỗ trợ trên.

Hỗ trợ cộng đồng dân tộc Thái thích ứng với những thay đổi của quá trình đô thị hóa Chị Hân (trong ảnh) hiện đang sinh sống tại bản Chiềng Khoang (thị trấn Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) - nơi đang diễn ra quá trình đô thị hóa một cách mạnh mẽ. Cũng như bao nông dân khác trong bản, nhà chị có đất nông nghiệp bị giải tỏa nằm trong dự án quy hoạch xây đường cao tốc phục vụ cho quá trình đô thị hóa. Do hầu hết người dân trong bản chưa có điều kiện học tập tốt nên đời sống vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Hơn 20% số hộ gia đình sống dưới chuẩn nghèo. Trên 80% số hộ chưa có

Nhờ có dự án “Hỗ trợ cộng đồng dân tộc Thái thích ứng với những thay đổi của quá trình đô thị hóa” do SRD triển khai với sự tài trợ của Caritas Úc, chị Hân đã nhen nhóm niềm hy vọng cho tương lai của hai cậu con trai và cho cả cộng đồng bản Chiềng Khoang. Trên cơ sở tham vấn cộng đồng về các nhu cầu của họ, dự án đã hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số trong bốn lĩnh vực chính: (1) tăng cường các kỹ năng sống và kỹ năng xã hội để hòa nhập tốt hơn vào quá trình đô thị hóa; (2) tiếp cận được với nguồn nước an toàn và cải thiện điều kiện vệ sinh; (3) tăng thu nhập thông qua đa dạng hóa các loại hình sinh kế và tập huấn kỹ thuật; và (4) vận động chính sách vì người nghèo. Sau sáu tháng triển khai dự án, chị Hân đã tham gia một số tập huấn nuôi bò, các kỹ thuật trồng lúa hiệu quả, nâng cao nhận thức phòng chống HIV và quản lý vốn quay vòng trong cộng đồng và hộ gia đình. Sau các khóa tập huấn về quay vòng vốn, SRD đã hỗ trợ thành lập hệ thống tín dụng trong cộng đồng do các phụ nữ thôn bản quản lý và trực tiếp hưởng lợi. Chị Hân là một trong 75 phụ nữ được nhận khoản vay hai triệu đồng để mua bò. Chị hiện đang áp dụng các kỹ năng học được sau khi tham gia các khóa tập huấn kỹ thuật như cách thức cho ăn, cách phòng bệnh và giữ ấm cho bò trong mùa đông.

14 | Báo cáo thường niên 2011


BIẾN ĐỔI

KHÍ HẬU

Nông nghiệp và sinh kế bền vững | 15


SRD và hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trong năm 2011 Biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện đang là một thách thức lớn đe dọa sự phát triển của Việt Nam. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (2007), với bờ biển dài hơn 3.000 km, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH và hiện tượng nước biển dâng. Những tác động của BĐKH ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, xã hội, trong đó những người chịu tác động nghiêm trọng nhất là nông dân nghèo, phụ nữ và những đối tượng yếm thế - những người sống phụ thuộc vào nông nghiệp và các nguồn lực tự nhiên để duy trì sinh kế. Cùng với những nỗ lực của Chính phủ và những cơ quan phát triển, các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) ở Việt Nam cũng tích cực và chủ động để ứng phó với BĐKH. BĐKH là một vấn đề mới, do nhiều nguyên nhân phức tạp và gây ra các hệ lụy sâu rộng; trong khi đó, năng lực ứng phó với BĐKH của các tổ chức XHDS địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Trong bối cảnh đó, SRD đã tập trung nhiều nỗ lực vào việc xây dựng năng lực cho các tổ chức XHDS để giúp họ có được sự hiểu biết một cách đầy đủ và triển khai tốt hơn các hoạt động ứng phó với BĐKH. Làm việc cùng các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, SRD đã hỗ trợ những sáng kiến cộng đồng giúp tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH một cách chủ động ở cấp cơ sở. Cụ thể là, lồng ghép vấn đề BĐKH trong các dự án hiện nay cũng như xây dựng và triển khai các dự án mới với trọng tâm cụ thể là ứng phó với BĐKH. Các dự án trong năm 2011 bao gồm việc phát triển kỹ năng quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và xây dựng các mô hình sinh kế có

khả năng thích ứng một cách có hiệu quả với những thay đổi của khí hậu. Với vai trò là sáng lập viên và Chủ tịch Ban điều hành Mạng lưới các Tổ chức phi chính phủ Việt Nam và BĐKH (VNGO&CC) và là đồng Chủ tịch của Nhóm Công tác về BĐKH (CCWG), SRD đã tham gia một cách tích cực vào các hoạt động đóng góp xây dựng và thực hiện chính sách từ cấp địa phương, quốc gia đến toàn cầu. Trong năm 2011, SRD đã đóng góp những kết quả nghiên cứu và các kiến thức thực tiễn liên quan đến BĐKH ở cấp cơ sở tại các diễn đàn như Diễn đàn cấp cao lần thứ 4 về Hiệu quả Viện trợ tại Busan (Hàn Quốc) và Hội thảo Lâm nghiệp Cộng đồng: Chìa khóa để giải quyết các vấn đề hiện tại và tương lai tại Thái Lan. SRD tin tưởng rằng sự phối kết hợp với các cơ quan Chính phủ ở tất cả các cấp đóng vai trò tiên quyết đối với thành công của các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ BĐKH. Tháng 11/2011, với vai trò đại diện cho Mạng VNGO&CC, SRD đã cùng với CARE Quốc tế tại Việt Nam - đại diện cho Nhóm CCWG - ký Biên bản Ghi nhớ Hợp tác Ứng phó với BĐKH với Cục Khí tượng, Thủy văn và BĐKH (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Lễ ký kết đánh dấu một sự kiện quan trọng đối với Việt Nam khi lần đầu tiên một Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa một cơ quan đại diện của Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ. Các hoạt động tiếp nối Lễ ký kết trong năm 2012 dự kiến bao gồm một hội thảo đối thoại về BĐKH cấp quốc gia và một số diễn đàn thường kỳ liên quan đến các vấn đề kỹ thuật.

Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa đại diện của cơ quan Chính phủ và phi chính phủ khẳng định cam kết phối hợp ứng phó với BĐKH tại Việt Nam.

16 | Báo cáo thường niên 2011


Các tài liệu và công cụ tập huấn nâng cao năng lực về BĐKH do SRD xây dựng và phát triển.

Một hoạt động chủ chốt liên quan đến xây dựng năng lực về BĐKH trong năm 2011 là dự án “Xây dựng Năng lực về Biến đổi Khí hậu (BĐKH) cho các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam”. Dự án được Đại sứ quán Phần Lan tài trợ và đã kết thúc vào tháng 12/2011. Theo ghi nhận của các chuyên gia, trong khoảng thời gian ngắn và với nguồn kinh phí khiêm tốn, dự án đã thành công trong việc đạt được các mục tiêu đặt ra, bao gồm: · Xây dựng một bộ giáo trình tập huấn về BĐKH cho các giảng viên và các cán bộ làm công tác phát triển; · Hình thành một đội ngũ các tập huấn viên nguồn về BĐKH ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam; · Tạo cơ chế thuận lợi cho quá trình học hỏi và chia sẻ thông tin về BĐKH giữa các bên liên quan;

Đội ngũ các tập huấn viên nguồn của dự án

Biến đổi khí hậu | 17

Dự án đã nhận được sự đánh giá cao từ phía các chuyên gia đánh giá độc lập. GS.TSKH. Trương Quang Học, chuyên gia về BĐKH tại Việt Nam, hiện đang công tác tại Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) nhận định: “Theo thiển ý của tôi, có lẽ đây là một trong những dự án tốt nhất mà tôi từng hợp tác. Mặc dù chỉ có ba cán bộ phụ trách một dự án lớn như vậy nhưng dự án đã đạt được những kết quả rất đáng khen ngợi”.


Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu Thừa Thiên-Huế - một tỉnh miền Trung Việt Nam có địa hình đa dạng gồm đồi núi và đồng bằng ven biển. Trong một vài năm trở lại đây, tần suất và mức độ nghiêm trọng của các thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán và cháy rừng đã gia tăng đột biến. Thiên tai đã gây ra những ảnh hưởng có sức tàn phá lớn ảnh hưởng nặng nề đối với người dân địa phương. Những ảnh hưởng này có thể được nhìn nhận một cách rõ rệt tại hai xã ven biển là Hải Dương và Hương Phong (huyện Hương Trà), nơi có tỷ lệ hộ nghèo tăng xấp xỉ gấp đôi theo Tiêu chuẩn Hộ nghèo đã được điều chỉnh năm 2010. Nguồn thu nhập chủ yếu của người dân nơi đây từ trồng lúa nước, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Thu nhập bình quân tính theo đầu người hàng năm chỉ đạt khoảng 5,2 triệu đồng. Khu vực này thường xuyên chịu sự đe

dọa của triều cường gia tăng, xâm thực, xâm mặn, xói lở bờ biển, ô nhiễm và bệnh tật do lũ thượng nguồn gây ra. Sự gia tăng mức độ trầm trọng của các hiện tượng thiên tai cũng tiềm ẩn nguy cơ đối với sự an toàn của những đối tượng dễ bị tổn thương trong cộng đồng. Từ trước đến nay, người dân địa phương thiếu những kỹ năng và các trang thiết bị cần thiết để bảo vệ tính mạng bản thân khi những thiên tai như bão, lũ xảy ra. Với sự hỗ trợ của tổ chức Caritas Úc, SRD đã làm việc với người dân địa phương để triển khai một dự án về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Dự án đã trang bị những kỹ năng và nguồn lực cần thiết cho người dân trong công tác lập kế hoạch và ứng phó với thiên tai, cũng như giúp họ điều chỉnh sinh kế của mình cho phù hợp, thích ứng với các điều kiện thay đổi của khí hậu và môi trường. Trong năm 2011, dự án đã triển khai một số hoạt động bao gồm xây dựng hệ thống cảnh báo, tổ chức tập huấn xây dựng kế hoạch phòng ngừa ứng phó với thiên tai, tập huấn sáu đội xung kích cấp thôn cùng với việc cung cấp những trang thiết bị hỗ trợ cho các đội xung kích này. Các thành viên trong đội xung kích của xã Hải Dương tham gia khóa tập huấn về lập kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

18 | Báo cáo thường niên 2011


Các thành viên trong đội xung kích của xã Hải Dương tham gia khóa tập huấn về lập kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Biến đổi khí hậu | 19

Cũng trong phạm vi dự án này, trong năm 2012, Hợp tác xã Thái Dương Thượng sẽ thử nghiệm giống lúa mới có khả năng chịu mặn. 15 nông dân trong hợp tác xã đã tham gia hoạt động trồng thử nghiệm giống lúa mới với tổng diện tích 2 hec-ta. Dự kiến sẽ cho thu hoạch vào tháng 7/2012. Nếu thành công, SRD hi vọng giống lúa này có thể được nhân rộng tại một số địa phương khác.


CÁC VẤN ĐỀ LỒNG GHÉP 20 | Báo cáo thường niên 2011


Một nhóm phụ nữ người dân tộc Dao được tập huấn về các kỹ năng lập ngân sách hộ gia đình trong một hội thảo tập huấn tại xã Cảm Ân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Hội thảo là một hoạt động trong dự án sinh kế tại xã Cảm Ân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, nơi có đến 90% là người dân tộc thiểu số với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 50%. Dự án trang bị cho người dân địa phương, đặc biệt là phụ nữ những kiến thức thực tiễn và những kỹ năng cần thiết để quản lý và cải thiện sinh kế hộ gia đình.

Vấn đề giới được quan tâm thích đáng Theo ghi nhận của các tổ chức phát triển, phân biệt đối xử và bất bình đẳng giới là một trong những rào cản mang tính hệ thống, gây cản trở công bằng xã hội và công tác xóa đói nghèo trên toàn cầu. Do Việt Nam là một trong những quốc gia có lịch sử lâu đời gắn liền với ý thức hệ Khổng Giáo nên chế độ gia trưởng hiện vẫn tồn tại và bắt rễ trong quan niệm của rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là những hộ gia đình nghèo ở vùng nông thôn. Ý thức được về sự thiệt thòi của người phụ nữ, đặc biệt tại các cộng đồng nông thôn nghèo, SRD luôn xây dựng dự án nhằm đảm bảo cơ hội công bằng cho phụ nữ trong việc tiếp cận với các nguồn lực, giúp phát triển sinh kế bền vững. Các dự án của SRD được triển khai tại cấp cộng đồng đều hướng đến tăng cường sự tham gia công bằng và hài hòa giữa nam giới và phụ nữ trong các hoạt động. Năm 2011, các vấn đề trọng tâm về giới tiếp tục được lồng ghép trong tất cả các dự án của SRD nhằm đảm bảo sự tham gia nhiều hơn

Các vấn đề lồng ghép | 21

của phụ nữ trong các nhóm nòng cốt, các hội thảo, các hoạt động tham vấn và các khóa tập huấn giảng viên nguồn. Phụ nữ tiếp tục được khuyến khích để tham gia và giữ vai trò nòng cốt trong các Ban quản lý hoặc Tổ, Nhóm sở thích. Ngoài ra, thông qua các hoạt động hội thảo, tập huấn về giới, người dân và chính quyền địa phương được cung cấp các kiến thức về giới và có cơ hội được thảo luận một cách cởi mở về các vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình, vai trò lãnh đạo của phụ nữ và các vai trò của nam giới và phụ nữ trong cộng đồng. Nhờ những hỗ trợ liên tục và tích cực nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ, các dự án của SRD không chỉ đem lại những ảnh hưởng tích cực giúp cải thiện điều kiện sống của người dân nghèo mà còn giúp nâng cao vị thế của phụ nữ và quyền ra quyết định của họ trong gia đình và cộng đồng. Điều này sẽ góp phần giúp giảm dần các hành vi phân biệt giới trong cộng đồng và xã hội.


Kiến thức và sự tự tin tạo nên những lãnh đạo nữ ở cộng đồng Chị Lê Thị Hải Yến, 41 tuổi, là người dân tộc Sán Dìu. Chị Yến hiện đang sinh sống tại thôn Nà Đon, xã Kim Lư, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn (thuộc khu vực miền núi phía Bắc của Việt Nam). Hai năm trước, chị bắt đầu đảm nhận vai trò là trưởng thôn. Trường hợp của chị khá hiếm hoi bởi ít khi một phụ nữ lên làm lãnh đạo thôn, ở vùng núi cao này. Chị Yến là một thành viên tham gia tích cực các hoạt động của dự án “Củng cố và Phát triển Hệ thống giống lúa của nông dân tỉnh Bắc Kạn” do SRD triển khai từ tháng 4/2008 đến tháng 3/2011. Chị thường xuyên tham gia các lớp học đồng ruộng, tập huấn giới và một số khóa tập huấn khác. Chị Yến cho biết: Nhờ sự hỗ trợ của dự án, vai trò của người phụ nữ trong cộng đồng đã có những chuyển biến tích cực. Chị cho biết: “Phụ nữ tham gia nhiều khóa tập huấn hơn nam giới, đồng nghĩa với việc phụ nữ sẽ mang lại nhiều thông tin và ý tưởng mới cho cộng đồng. Việc này giúp

chúng tôi có tiếng nói trong việc ra quyết định hơn... ...Tôi cảm thấy tự tin hơn nhiều kể từ khi học hỏi được những điều mới mẻ để giúp cải thiện thu nhập gia đình. Cũng chính sự tự tin đó đã giúp tôi quyết định đảm nhận vai trò là trưởng thôn. Tôi muốn chứng tỏ rằng phụ nữ cũng có thể làm được mọi việc như nam giới. Chúng tôi cũng là những con người mạnh mẽ và có năng lực... ...Trong những ngày đầu đảm nhận vai trò mới, tôi đã chịu nhiều áp lực từ phía cộng đồng do trước đây ở thôn của tôi chưa bao giờ có trưởng thôn nào là nữ. Tôi đã rất lo lắng và đôi khi phân vân không biết liệu mình có làm được hay không và liệu mọi người có nghe theo mình hay không. Tuy nhiên, đến nay mọi việc đều diễn ra tốt đẹp ngoài sức tưởng tượng của tôi. Người dân trong thôn, cả nam giới và phụ nữ, ai cũng đều ủng hộ tôi hết mực”. Những người phụ nữ ở thôn Nà Đon, một trong những thôn đầu tiên trong vùng có phụ nữ làm trưởng thôn. Các bà, các cô cho biết họ rất tự hào về trưởng thôn của họ.

22 | Báo cáo thường niên 2011


Nghiên cứu và vận động chính sách - vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong năm 2011 Theo bảng xếp hạng năm 2011 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện nằm trong danh sách các quốc gia có mức thu nhập trung bình. Đây được coi là một điểm sáng ghi nhận những tiến bộ vượt bậc mà Việt Nam đã đạt được, trong những thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra không ít những thách thức mới cho lĩnh vực phát triển, trong đó, bao gồm hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGO). Hiện nay, các nguồn đầu tư trong nước và quốc tế thường hướng đến tăng trưởng kinh tế. Như vậy, những ưu tiên cho công tác xóa đói giảm nghèo đã bị đánh đổi cho các hoạt động đầu tư. Việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới sẽ mang lại những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, đồng thời, cũng sẽ đem đến những thách thức to lớn về môi trường và xã hội. Những thay đổi trên là một phần quan trọng tác động đến xu hướng đói nghèo ở Việt Nam. Trong bối cảnh thay đổi này, SRD tin rằng nếu các tổ chức NGO, muốn đạt được hiệu quả thì không thể chỉ hoạt động đơn thuần như những quỹ từ thiện hay những nhà cung cấp dịch vụ, họ cần phải chủ động đóng góp ở cấp hoạch định chính sách.

Các tổ chức NGO không thể chỉ hoạt động đơn thuần như những quỹ từ thiện hay những nhà cung cấp dịch vụ, họ cần phải chủ động đóng góp ở cấp hoạch định chính sách.

thức, kinh nghiệm thu được từ thực tiễn và các nghiên cứu, SRD đã tiếp tục chủ động tham gia vào hoạt động mạng lưới và các diễn đàn vận động chính sách, nâng cao hơn nữa năng lực của tổ chức, từ đó, có thể đại diện cho tiếng nói của người dân nghèo nông thôn tại các diễn đàn chính sách ở cấp cao nhất.

Năm 2011, SRD đặt trọng tâm vào công tác nâng cao năng lực nghiên cứu và vận động chính sách của tổ chức. Bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm thực tiễn thông qua các dự án ở cấp cơ sở, SRD cũng triển khai một số nghiên cứu và khảo sát về các lĩnh vực nông nghiệp bền vững và biến đổi khí hậu. Với những kiến Hội thảo SRD phối hợp với Đại sứ quán Hoa kỳ tổ chức.

Các vấn đề lồng ghép | 23


Nghiên cứu hành động thúc đẩy chuỗi giá trị nuôi gà địa phương Bảo Thanh là một xã của tỉnh Phú Thọ với địa hình gồm cả đồi dốc và đồng bằng. 95% người dân của xã sống bằng nghề nông, trong đó, chủ yếu là chăn nuôi gà với mức thu nhập từ chăn nuôi gà chiếm tới 30% thu nhập trung bình của các hộ.

Nhờ có dự án, xã Bảo Thanh đã thành lập được hai nhóm nông dân cùng hợp tác nuôi gà. Thông qua các hoạt động nhóm, nông dân có cơ hội hỗ trợ nhau về mặt kỹ năng và kiến thức, từ đó, giúp giảm dịch bệnh và tăng chất lượng đàn gà. Đồng thời, khi tham gia nhóm, họ có thể mua thức ăn và bán gà với số lượng lớn hơn, tăng lợi nhuận lên 8-10%.

Mặc dù có truyền thống nuôi gà lâu đời nhưng nông dân trong xã vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức gây ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất và thu nhập, trong những năm vừa qua. Giống gà địa phương vừa có chu kỳ nuôi lấy thịt dài ngày, vừa lại dễ mắc các bệnh dịch. Hơn nữa, đa số nông dân còn thiếu kỹ thuật và vốn để mở rộng hoạt động chăn nuôi gà tăng thu nhập. Trong khuôn khổ dự án “Quản lý và Sử dụng đất có sự tham gia” ở Phú Thọ (do Manos Unidas tài trợ), SRD đã triển khai nghiên cứu chuỗi giá trị về giống gà địa phương. Nghiên cứu này tập trung xây dựng năng lực cho đối tác địa phương và nông dân nhằm giúp họ phân tích chuỗi giá trị, kết nối tốt hơn với các bên liên quan, trong quá trình giao thương và tăng giá trị cho các sản phẩm trong chuỗi giá trị trên thị trường. Dựa trên các kết quả nghiên cứu, SRD đã phát triển các hoạt động can thiệp cho dự án. Các hoạt động can thiệp bao gồm chuỗi hội thảo kĩ thuật chuyên sâu tập trung vào chủ đề chất lượng giống và phòng chống dịch bệnh, tập huấn nuôi giun đất làm thức ăn thay thế, hình thành nhóm sở thích nuôi gà và giới thiệu vốn tín dụng quay vòng tới các hộ nông dân quy mô nhỏ, nhằm giúp họ tăng số lượng đàn gà lên ít nhất 100 con mỗi hộ.

Các nghiên cứu và hoạt động can thiệp của SRD về việc chăn nuôi gà ở xã Bảo Thanh đã giúp nông dân tăng lợi nhuận lên 8-10%

24 | Báo cáo thường niên 2011


Hoạt động mạng lưới - công cụ vận động chính sách hiệu quả Trong những năm gần đây, số lượng các tổ chức phi chính phủ (NGO) đăng ký hoạt động tại Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng với nhiều lĩnh vực hoạt động. Nhờ hoạt động sâu sát ở cấp cộng đồng, các tổ chức NGO đã thu được những thành công lớn trong xây dựng và triển khai các mô hình xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, do hạn chế về nhân lực, nguồn lực tài chính và chu kỳ dự án thường ngắn, không ít các tổ chức NGO hoạt động còn khiêm tốn và chưa xây dựng được định hướng chiến lược và tầm nhìn dài hạn. Trong nhiều trường hợp, mối liên kết giữa các tổ chức cũng còn nhiều hạn chế. Điều này làm giảm các cơ hội trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và ảnh hưởng tới tính hiệu quả trong hoạt động dự án và hạn chế năng lực vận động chính sách của các NGO. Nhận thấy tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các tổ chức NGO, SRD cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy và tham gia các mạng lưới. Kể từ khi được thành lập đến nay, SRD đã hoạt động rất tích cực trong các mạng lưới lớn như Mạng lưới các Tổ chức NGO Việt Nam và Biến đổi khí hậu (VNGO&CC), Mạng lưới các

Tổ chức NGO Việt Nam và Hiệu quả Viện trợ (VNGO&AE), Nhóm công tác về Biến đổi khí hậu (CCWG), Mạng lưới An ninh Lương thực và Giảm nghèo (CIFPEN), Mạng lưới Giới và Phát triển Cộng đồng (GENCOMNET), Nhóm Công tác về sự Tham gia của Người dân (PPWG), và Nhóm các Tổ chức Xã hội Dân sự về Quản trị và Cải cách Hành chính công (GPAR). Hoạt động mạng lưới mạnh mẽ nhất của SRD được thể hiện ở vai trò là Chủ tịch Mạng lưới VNGO&CC. Mạng lưới được thành lập vào tháng 9/2008, hiện đã có hơn 300 tổ chức và cá nhân đăng ký tham gia. Trong năm 2011, VNGO&CC đã điều phối rất nhiều hội thảo và hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho các thành viên trong ứng phó với BĐKH. Các hoạt động bao gồm trao đổi các chuyên gia kỹ thuật, thông tin, phổ biến chương trình và các thông tin kỹ thuật về BĐKH, thúc đẩy hợp tác vận động chính sách. Sự tham gia tích cực và hoạt động thành công của mạng lưới thực sự đã thu hút được sự quan tâm từ phía các bên liên quan như các nhà tài trợ, Chính phủ và các đối tác. SRD cũng tích cực tham gia vào các mạng lưới của khu vực và quốc tế như Diễn đàn Thích ứng Mê-kông, Mạng lưới Đổi thay Đông Nam Á về BĐKH (SeaChange), Mạng lưới Reality of Aid, Mạng lưới Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương (APRN), Mạng lưới Hành động Thuốc trừ sâu châu Á - Thái Bình Dương (PAN-AP) và Nhóm công tác Lúa gạo Đông Á (EARWG) và một số mạng lưới châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu khác. Thông qua những mạng lưới này, SRD không những chia sẻ các kinh nghiệm của tổ chức với quốc tế mà còn thúc đẩy sự chia sẻ, học hỏi lẫn nhau giữa các đối tác quốc tế và cộng đồng phát triển ở Việt Nam về những vấn đề được quan tâm như nông nghiệp bền vững, tài chính cho BĐKH, hiệu quả viện trợ và hiệu quả phát triển. Các đại biểu tham gia hội thảo thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng do SRD điều phối.

Các vấn đề lồng ghép | 25


HOẠT ĐỘNG NỘI BỘ 26 | Báo cáo thường niên 2011


Xây dựng năng lực tổ chức SRD luôn coi đội ngũ cán bộ nhân viên là tài sản lớn nhất của tổ chức và luôn nỗ lực duy trì một đội ngũ tích cực và năng động. Việc tập trung xây dựng năng lực cho các cộng đồng ở tất cả các dự án đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong nội tại tổ chức của SRD. SRD đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chuyên môn cho đội ngũ cán bộ nhân viên của tổ chức. Năm 2011, SRD đã tạo rất nhiều cơ hội phát triển và nâng cao các kỹ năng cho 30 nhân viên và tình nguyện viên quốc tế, ví dụ, thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn nội bộ cho nhân viên về các chủ đề liên quan như biến đổi khí hậu (BĐKH), chuỗi giá trị, quản lý nhân sự và quản lý tài chính dự án. Trong năm 2011, cán bộ nhân viên SRD cũng đã tham dự một số khóa tập huấn trong nước về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), quản lý rừng bền vững, truyền thông, cải cách hành chính công và quản lý dự án. Các cán bộ nhân viên SRD đã có cơ hội tham dự một số hội nghị quốc tế lớn trong năm 2011. Điều này giúp tổ chức tiếp cận với các kiến thức mới nhất, cũng như nắm bắt kịp thời những thay đổi không ngừng trong lĩnh vực phát triển. Việc tham dự các sự kiện quốc tế cũng là cơ hội quan trọng giúp tổ chức học hỏi và chia sẻ các kiến thức thực tiễn. Năm 2011, các cán bộ của SRD đã tham dự 11 hội nghị quốc tế, trong đó có: · Diễn đàn Cấp cao lần thứ 4 về Hiệu quả Viện trợ (tại Hàn Quốc) · Chương trình các Nhà lãnh đạo Tương lai Đông Á 2010/2011: Tập đoàn Lương thực và Nông nghiệp (tại Nhật Bản) · Vai trò của các Tổ chức phi chính phủ trong Thúc đẩy các Vấn đề của Phụ nữ Toàn cầu (tại Hoa Kỳ)

Hoạt động nội bộ | 27

· Hội thảo khu vực về REDD+ - Thực trạng, Cơ hội và Thách thức ở Châu Á - Thái Bình Dương (tại Nepal) · Hội nghị tham vấn Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (tại Indonesia) · Chương trình đào tạo tập huấn viên nguồn về Hệ thống Giám sát Quy chuẩn của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (tại Malaysia)

Năm 2011, SRD đón nhận 7 tình nguyện viên đến từ các quốc gia như Úc, Sri Lanka, Philippin và Canada. Họ là những chuyên gia trong một số lĩnh vực và đã đóng góp tích cực cho SRD trong các lĩnh vực nhân sự, truyền thông, chuỗi giá trị và biến đổi khí hậu. Sự đóng góp của các tình nguyện viên đã giúp SRD duy trì được một môi trường làm việc quốc tế cũng như tạo cơ hội cho các cán bộ giao lưu ngôn ngữ và văn hóa.


SRD hướng tới Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2013-2017 Việt Nam đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng cả trên bình diện kinh tế, xã hội cũng như diễn biến đói nghèo. Nhằm nắm bắt được những cơ hội cũng như nhìn nhận các thách thức mới, SRD đang tiến hành các hoạt động đánh giá, xem xét lại bối cảnh hoạt động, nhằm điều chỉnh chiến lược hoạt động của tổ chức một cách phù hợp nhất. SRD hiện đang trong quá trình xây dựng kế hoạch chiến lược cho giai đoạn 2013-2017. Công tác xây dựng chiến lược được khởi động bằng Hội thảo trù bị xây dựng kế hoạch chiến lược 2013-2017 (tại tỉnh Yên Bái) với sự tham gia của tất cả các cán bộ và các thành viên Ban cố vấn của SRD. Hội thảo kết hợp với các chuyến tham quan thực địa tại một số địa bàn dự án của SRD (trong tỉnh). Nhờ đó, các cán bộ có thêm cơ hội gặp gỡ người dân và đối tác địa phương. Đây là bước khởi đầu quan trọng trong quá trình xây dựng kế hoạch chiến lược, giúp gắn kết toàn bộ đội ngũ cán bộ trong

Quá trình rà soát và đánh giá sẽ được đẩy mạnh trong năm 2012 khi tổ chức tiến hành xây dựng Kế hoạch chiến lược 2013-2017.

một tầm nhìn hướng tới phát triển nông thôn bền vững ở Việt Nam. Bên cạnh đó, với sự chủ trì của ba thành viên trong Ban cố vấn và một chuyên gia độc lập, SRD đã đúc rút được những bài học kinh nghiệm quan trọng và phong phú của SRD trong 5 năm vừa qua. Dựa trên cơ sở những đánh giá này, SRD sẽ tổ chức các hội thảo xây dựng chiến lược cho từng bộ phận, tham vấn rộng rãi với các bên liên quan ở các cấp bao gồm đối tác, nhà tài trợ, người hưởng lợi và các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế. Kế hoạch chiến lược mới sẽ được hoàn tất và công bố trong Quý IV/2012.

Các cán bộ SRD trong chuyến thực địa tại tỉnh Yên Bái, chuẩn bị cho hoạt động lập kế hoạch chiến lược.

28 | Báo cáo thường niên 2011


Hoạt động nội bộ | 29

CÁN BỘ CHƯƠNG TRÌNH, TÌNH NGUYỆN VIÊN

CÁN BỘ CHƯƠNG TRÌNH, TÌNH NGUYỆN VIÊN

CÁN BỘ CHƯƠNG TRÌNH, TÌNH NGUYỆN VIÊN

TRƯỞNG PHÒNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

PHÓ GIÁM ĐỐC

GIÁM ĐỐC

VUSTA

CÁN BỘ TRUYỀN THÔNG, TÌNH NGUYỆN VIÊN

TRƯỞNG PHÒNG TRUYỀN THÔNG, NGHIÊN CỨU VÀ VẬN ĐỘNG CHÍNH SÁCH

HỘI ĐỒNG TRUNG TÂM

ĐỐI TÁC DỰ ÁN CÁC BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN (CẤP TỈNH, HUYỆN, XÃ)

TRƯỞNG PHÒNG NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG

QUẢN LÝ CHƯƠNG TRÌNH VĂN PHÒNG HUẾ

BAN CỐ VẤN

Sơ đồ tổ chức

CÁN BỘ KẾ TOÁN, NHÂN SỰ VÀ HÀNH CHÍNH, TÌNH NGUYỆN VIÊN

TRƯỞNG PHÒNG TÀI CHÍNH HÀNH CHÍNH - NHÂN SỰ


BÁO CÁO

TÀI CHÍNH

30 | Báo cáo thường niên 2011


Tổng quan về tài chính Trong năm 2011, SRD đã quản lý hiệu quả 13 dự án chính và năm dự án nhỏ với tổng chi tiêu 809.201 USD. SRD tin tưởng rằng nguồn lực tài chính ổn định là yếu tố đóng vai trò quyết định giúp tổ chức hoàn thành cam kết hướng tới nâng cao đời sống cho nông dân nghèo ở Việt Nam. Do vậy, SRD luôn nỗ lực nâng cao trách nhiệm giải trình, tính hiệu quả và tính minh bạch trong tất cả hệ thống quản lý, đảm bảo tăng trưởng tài chính bền vững và phát triển tổ chức dài hạn. Trong năm vừa qua, SRD đã xây dựng đề xuất cho sáu dự án mới và kêu gọi được nguồn tiền tài trợ cho tất cả các dự án này. Tổng ngân sách của sáu dự án mới được phê duyệt là 925.913 USD. SRD áp dụng những tiêu chuẩn tốt nhất trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, bao gồm tài chính và kế toán. Kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập, kết hợp với các cơ chế báo cáo định kỳ giúp SRD có thể quản lý rủi ro và đảm bảo sự an toàn cho hệ thống tài chính của tổ chức.

Báo cáo thu nhập và chi phí Năm tài chính kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 2011

Đơn vị: USD KHOẢN MỤC

2011

2010

906.221

427.374

I. THU NHẬP

1. Nguồn kinh phí tài trợ

2. Lãi tiền gửi

38.625

4.101

3. Chênh lệch tỷ giá

36.204

2.351

4. Thu nhập khác

96

357

5. Chi phí hành chính từ các dự án

67.687

73.892

TỔNG THU NHẬP

1.048.833

508.075

733.732

772.443

75.469

84.185

809.201

856.628

239.633

348.553

II. CHI PHÍ

1. Chi phí chương trình

2. Chi phí hỗ trợ chương trình

TỔNG CHI PHÍ

III. CHÊNH LỆCH THU NHẬP - CHI PHÍ

Báo cáo tài chính | 31


Bảng cân đối kế toán Ngày 31 tháng 12 năm 2011 Đơn vị: USD

KHOẢN MỤC

TÀI SẢN I. TIỀN

1. Tiền mặt

Việt Nam đồng

Ngoại tệ

2. Tiền gửi ngân hàng

31/12/2011

31/12/2010

753.962

540.660

7.187

7.798

843

830

6.344

6.968

746.775

532.863

Việt Nam đồng

493.603

90.607

Ngoại tệ

253.172

442.256

III. CÁC KHOẢN PHẢI THU NGẮN HẠN

7.656

240

1. Các khoản phải thu ngắn hạn

1.335

2. Các khoản phải thu khác

6.321

II. CÁC KHOẢN ĐẦU TƯ NGẮN HẠN

IV. HÀNG TỒN KHO

-

-

1. Công cụ, dụng cụ

V. TÀI SẢN NGẮN HẠN KHÁC

1. Chi phí trả trước ngắn hạn

2. Tạm ứng

VI. TÀI SẢN CỐ ĐỊNH

1. Tài sản cố định hữu hình

- Nguyên giá

- Giá trị hao mòn luỹ kế (*)

23.173

2.377

23.173

2.377

13.847

25.785

13.847

25.785

38.139

43.128

(24.292)

(17.342)

2. Tài sản cố định vô hình

240

-

- Nguyên giá

-

- Giá trị hao mòn luỹ kế (*)

-

VII. CÁC KHOẢN ĐẦU TƯ DÀI HẠN

TỔNG TÀI SẢN

798.637

32 | Báo cáo thường niên 2011

569.062


Bảng cân đối kế toán Ngày 31 tháng 12 năm 2011 Đơn vị: USD

KHOẢN PHẢI TRẢ I. NỢ NGẮN HẠN

98.287

75.619

1. Các khoản phải trả khác

14.224

10.038

2. Phải trả người lao động

77.493

50.143

3. Các khoản phải trả theo lương

4. Các khoản phải nộp nhà nước

1.094

163

5. Chi phí trích trước

5.476

15.275

700.351

493.443

-

-

II. NGUỒN KINH PHÍ

1. Tạm ứng kinh phí

2. Chênh lệch tỷ giá

3. Quỹ dự phòng

4. Nguồn kinh phí hoạt động

5. Nguồn kinh phí dự án

6. Nguồn kinh phí hình thành TSCĐ

TỔNG CỘNG NGUỒN VỐN

-

-

Báo cáo tài chính | 33

182.991

160.539

50.115

40.175

453.397

266.943

13.847

25.785

798.637

569.062


CÁC DỰ ÁN VÀ ĐỐI TÁC

34 | Báo cáo thường niên 2011


Nhà tài trợ Nhà tài trợ

Quốc gia

Manos Unidas

Tây Ban Nha

Caritas Australia

Úc

Cordaid

Hà Lan

Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội

Phần Lan

CARE International

Đan Mạch

KEPA

Phần Lan

Oxfam Quebec

Canada

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội

Hoa Kỳ

Reality of Aid

Mạng lưới quốc tế

Thăm ruộng nghiên cứu so sánh giống tại Bắc Kạn

Các dự án và đối tác | 35


Đối tác địa phương Đối tác địa phương

Tỉnh

Đối tác địa phương

Tỉnh

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Bắc Kạn

Hội Đông y

Yên Bái

Ủy ban Nhân dân huyện Ba Bể

Bắc Kạn

Ủy ban Nhân dân xã Cảm Ân

Yên Bái

Ủy ban Nhân dân huyện Pắc Nậm

Bắc Kạn

Ủy ban Nhân dân xã Đức Lương

Thái Nguyên Thái Nguyên

Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Mới

Bắc Kạn

Ủy ban Nhân dân xã Phúc Lương

Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Đồn

Bắc Kạn

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Thừa Thiên Huế

Sở Tài nguyên và Môi trường

Ủy ban Nhân dân huyện Bạch Thông

Bắc Kạn

Thừa Thiên Huế

Ủy ban Nhân dân huyện Na Rì

Bắc Kạn

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Thừa Thiên Huế

Chi cục Bảo vệ Thực vật

Bắc Kạn

Trung tâm Khuyến nông

Thừa Thiên Huế

Công ty Cung cấp Giống cây trồng và Vật tư Nông nghiệp

Bắc Kạn

Ủy ban Nhân dân huyện Phong Điền

Thừa Thiên Huế

Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh

Phú Thọ

Ủy ban Nhân dân huyện Hương Trà

Thừa Thiên Huế

Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Sơn

Phú Thọ

Ủy ban Nhân dân huyện Tuần Giáo

Điện Biên

Ủy ban Nhân dân huyện Tân Sơn

Phú Thọ

Ủy ban Nhân dân xã Nà Mèo

Hòa Bình

Ủy ban Nhân dân huyện Phù Ninh

Phú Thọ

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Hòa Bình

Ủy ban Nhân dân xã Trạm Thản

Phú Thọ

Chi cục Bảo vệ Thực vật

Hòa Bình

Ủy ban Nhân dân xã Bảo Thanh

Phú Thọ

Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên

Lào Cai

Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Phú

Phú Thọ

Quỹ Rừng nhiệt đới (TFT)

Ủy ban Nhân dân xã Tam Thanh

Phú Thọ

Tp. Hồ Chí Minh

Ủy ban Nhân dân xã Võ Miếu

Phú Thọ

Hà Tĩnh

Chi cục Bảo vệ Thực vật

Phú Thọ

Ủy ban Nhân dân huyện Can Lộc

Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh

Yên Bái

Phòng Nông nghiệp huyện Can Lộc

Hà Tĩnh

Yên Bái

Ủy ban Nhân dân xã Khánh Lộc

Hà Tĩnh

Ủy ban Nhân dân huyện Văn Chấn

Yên Bái

Ủy ban Nhân dân xã Vượng Lộc

Hà Tĩnh

Ủy ban Nhân dân xã Nậm Búng Ủy ban Nhân dân xã Gia Hội

Yên Bái

Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Lộc

Hà Tĩnh

36 | Báo cáo thường niên 2011


Danh mục dự án thực hiện giai đoạn 2010 - 2011 Mã số

Thời gian thực hiện Tổng ngân sách được duyệt Bắt đầu Kết thúc (USD)

Tên dự án

Dự án chính VM007

Nông dân nghèo và phụ nữ tham gia quản lý thuỷ nông tại xã Hưng Long, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ

03/2007

03/2010

185.482

VM008

Hệ thống thâm canh lúa cải tiến vì sự tiến bộ của nông dân trồng lúa tại tỉnh Thái Nguyên và Phú Thọ

09/2008

09/2010

214.558

VM014

Củng cố và Phát triển hệ thống giống lúa của nông dân ở tỉnh Bắc Kạn

04/2008

03/2011

229.580

VM015

Cải thiện sinh kế và Vệ sinh môi trường cho cộng đồng nghèo tại huyện Pắc Nậm, tỉnh Bắc Kạn

07/2008

06/2011

265.055

VM016

Hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

01/2009

12/2011

153.633

VM019

Phát triển và Bảo tồn các bài thuốc dân tộc và nguồn cây thuốc bản địa tại tỉnh Yên Bái

07/2009

07/2012

206.310

VM020

Xây dựng năng lực về biến đổi khí hậu cho các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam

04/2009

04/2012

317.143

VM021

Phát triển Mô hình quản lý và sử dụng đất tại tỉnh Phú Thọ

10/2009

12/2012

248.656

VM028

Dự án sinh kế tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

01/2010

12/2012

165.678

VM031

Quản lý và giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Pha 1 từ 03/2011 đến 02/2012 với tổng ngân sách 89.500 USD)

03/2011

06/2014

331.194

VM032

Đánh giá nhu cầu về sinh kế bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Hoà Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Quảng Ninh

05/2010

05/2011

83.358

VM035

Hỗ trợ cộng đồng dân tộc Thái thích ứng với những thay đổi của quá trình đô thị hóa tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên

03/2011

06/2013

253.000

VM036

Quản lý rừng tổng hợp để giảm đói nghèo và bảo tồn rừng tại huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai

11/2010

11/2011

66.299

Các dự án và đối tác | 37


Danh mục dự án (tiếp theo) Mã số

Thời gian thực hiện Tổng ngân sách được duyệt Bắt đầu Kết thúc (USD)

Tên dự án

Dự án chính VM037

Các tổ chức phi chính phủ Việt Nam vì sinh kế cộng đồng các dân tộc miền núi phía Bắc

07/2011

06/2014

432.818

VM039

Nông dân triển khai thí điểm hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) ứng phó với biến đổi khí hậu ở tỉnh Bắc Kạn

11/2011

11/2012

67.515

Tổng ngân sách cho các dự án chính

3.220.280

Tiểu dự án VM022

Đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế và ảnh hưởng của chính sách kích cầu của Chính phủ Việt Nam đối với các hộ gia đình ở nông thôn

08/2009

08/2010

40.292

VM024

Biến đổi khí hậu và mạng lưới nông nghiệp nông thôn bền vững

01/2010

01/2011

6.715

VM025

Nghiên cứu xây dựng năng lực về chuỗi giá trị cho công cuộc xoá đói giảm nghèo

01/2010

01/2011

40.292

VM026

Nghiên cứu quá trình cải thiện đa dạng nguồn giống lúa

01/2010

01/2011

6.715

VM027

Giảm nhẹ thiệt hại và Hỗ trợ phục hồi tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

10/2009

03/2010

31.000

VM030

Dự án lồng ghép chính sách HIV/AIDS trong nội tại tổ chức

11/2009

05/2010

6.469

VM033

Tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai, Hỗ trợ phát triển sinh kế tại hai xã Phong Bình và Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

01/2010

12/2010

40.000

VM034

Tăng cường hoạt động của Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và biến đổi khí hậu

09/2010

03/2011

12.675

VM040

Nâng cao năng lực cho các tổ chức phi chính phủ Việt Nam về hiệu quả viện trợ 2011

04/2011

12/2011

12.000

Tổng ngân sách cho các tiểu dự án TỔNG NGÂN SÁCH

196.158 3.416.438

38 | Báo cáo thường niên 2011


Bản đồ dự án Lào Cai

Bắc Kạn

Điện Biên

Thái Nguyên Hà Nội Yên Bái Phú Thọ Hòa Bình

Hà Tĩnh *

Quảng Trị * Thừa Thiên Huế

(*) Hai dự án tại Hà Tĩnh và Quảng Trị sẽ được triển khai trong năm 2012


TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BỀN VỮNG

ĐỊA CHỈ Số 56, ngách 19/9 Kim Đồng, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam ĐIỆN THOẠI +84 4 3943 6678/76 FAX +84 4 3943 6449 EMAIL info@srd.org.vn WEB www.srd.org.vn


Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.